Trong một báo cáo vừa mới công bố, ILL nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp có xu hướng chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
|
Đơn vị cung cấp linh kiện cho Apple, Foxconn đã mở dây chuyền sản xuất tại Việt Nam. (Ảnh: AFP) |
Mặt khác, Việt Nam cũng đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi như tầng lớp trung lưu không ngừng gia tăng, tỷ lệ dân số trẻ, tiềm năng tiêu thụ hàng tiêu dùng lớn. Thế nên, nhiều nhà sản xuất đang chuyển dịch sang Việt Nam.
Chính bởi vậy, phân khúc bất động sản công nghiệp ngày càng trở nên hấp dẫn hơn. Theo dữ liệu từ JLL, giá thuê đất công nghiệp bình quân tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam ở mức 95 USD/m2 cho mỗi chu kỳ thuê. So với cùng kỳ năm 2018, con số này lần lượt tăng 6,7% và 15,8% tại mỗi miền. JLL cho rằng, đây là mức tăng khá nhanh.
Hiện có nhiều cách để các nhà đầu tư ngoại chuyển dịch dây chuyền sản xuất sang Việt Nam, chẳng hạn như mua lại các nhà xưởng hiện hữu đang hoạt động, thâu tóm quỹ đất, liên doanh với nhà đầu tư công nghiệp trong nước.
Tập đoàn Sharp gần đây cũng đã công bố kế hoạch xây dựng 1 nhà máy mới tại Việt Nam. Trong khi đó, Brooks Running - nhà sản xuất giày của Mỹ cũng dịch chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang quốc gia lân cận.
Đơn vị cung cấp linh kiện cho Apple là Foxconn thông tin, hồi tháng 7/2019, công ty đã mua lại 1 nhà máy sản xuất linh kiện tại Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu của Nikkei Asian Review cho biết, trong số 33 doanh nghiệp Trung Quốc được khảo sát, gần 70% công ty có kế hoạch mở rộng dây chuyền sản xuất ra nước ngoài. Đáng chú ý, họ đang cân nhắc lựa chọn Việt Nam làm điểm đến.
Thế nhưng, những doanh nghiệp đã có mặt tại Việt Nam cũng tỏ ra lo ngại trong việc tìm kiếm nguồn hàng, lực lượng lao động có tay nghề cao và rào cản về cơ sở hạ tầng.