SearchNews

Nguồn cung bất động sản có thể khan hiếm trong 1-2 năm tới

20/08/2019 08:01

Theo giới chuyên gia, trong vài năm tới, nguồn cung bất động sản sẽ sụt giảm và có thể trở nên khan hiếm bởi sự chậm trễ về mặt pháp lý.

Tham gia hội thảo "Xu thế sở hữu bất động sản: Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam", nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS. Đặng Hùng Võ dự báo rằng, nguồn cung bất động sản có thể trở nên khan hiếm trong 1-2 năm tới.

Theo ông Võ, từ cuối năm 2018 đến 6 tháng đầu năm nay, lượng dự án bất động sản được đưa ra thị trường gần như bằng không. Số ít dự án đang bán trong năm 2019 đã được chuẩn bị, hoàn thiện pháp lý từ một vài năm trước. Vấn đề pháp lý của quỹ đất được cho là nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này.

Hiện tại, giữa Luật Đất đai và Luật Nhà ở có rất nhiều mâu thuẫn. Do đó, chính quyền TP.HCM phải rà soát kỹ các văn bản, chưa ký cấp phép dự án được. GS. Đặng Hùng Võ nhận định: "Đây là khoảng lặng của thị trường do khủng hoảng pháp lý, trong khi tỷ lệ giao dịch thành công các dự án đang mở bán rất cao chứng tỏ nhu cầu vẫn lớn".

Cũng theo chuyên gia này, khi chuyển đổi sang đất ở, mỗi loại đất được xử lý một cách khác nhau. Chẳng hạn, đất nông nghiệp sẽ xử lý kiểu đất nông nghiệp, đất công thì xử lý kiểu đất công. Ông Võ dự báo: "Tôi lo một vài năm nữa thị trường bất động sản sẽ thiếu cung, vì vậy chúng ta phải tính từ bây giờ. Khi thiếu cung giá sẽ tăng, cần phải tính đến các hệ lụy của nó".

nguồn cung bất động sản thiếu hụt trong 1-2 năm tới
Nguồn cung bất động sản được dự báo sẽ thiếu hụt trong một vài năm tới. Trong ảnh: Thị trường địa ốc khu Đông TP. HCM. (Ảnh: Hữu Khoa)

Trong khi đó, Giám đốc cấp cao của CBRE Việt NaM, bà Dương Thùy Dung cho biết, từ cuối năm ngoái tới nửa đầu năm nay, nguồn cung bất động sản TP.HCM sụt giảm mạnh. Lý do là, so với trước đây, thủ tục pháp lý những dự án này kéo dài hơn.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) hồi cuối tháng 6/2019 cũng đã phát đi công văn nêu ra những khó khăn và quan ngại về sự sụt giảm quy mô thị trường địa ốc TP.HCM. Trong 2 quý đầu năm, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất UBND TP công nhận chủ đầu tư 3 dự án nhà ở thương mại mới. Con số này so với cùng kỳ năm trước giảm 84,2%, giảm 16 dự án.

Cùng với đó, 10 dự án nhà ở thương mại được Sở Xây dựng đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư, so với cùng kỳ giảm 82,2%, giảm 46 dự án. Nửa đầu năm 2019, trên địa bàn TP.HCM chỉ có 24 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, cung ứng 7.313 căn hộ. So với 12 tháng qua, lượng căn hộ này giảm 24,2% (giảm 2.336 căn) và giảm 29,4% về dự án (giảm 10 dự án).

Nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc cao cấp đạt 2.227 căn, giảm 43,8% so với cùng kỳ năm 2018 (3.965 căn). Lượng căn hộ bình dân đạt 1,249 căn, giảm 34,7% so với cùng kỳ năm trước (1.914 căn).

Mặt khác, trong một số văn bản kiến nghị giải pháp gỡ vướng về mặt pháp lý cho các dự án tại TP.HCM, Hiệp hội cũng đề cập tới những hệ lụy khi thủ tục dự án bị kéo dài.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, trong 1-2 năm tới, nguồn cung bất động sản sẽ thiếu hụt bởi nhiều dự án đang triển khai bị vướng mắc pháp lý đành "nằm chờ". Do vậy, doanh nghiệp địa ốc sẽ bị chôn vốn, ứ đọng hàng hóa, dẫn tới phát sinh chi phí tài chính (lãi vay cao) khiến giá thành sản phẩm bị đội lên cao.

Hơn nữa, nguồn cung thiếu hụt cục bộ cũng sẽ dẫn tới tình trạng dự án chào bán trong năm nay thiết lập mặt bằng giá mới. Với những hệ lụy này, thị trường nhà ở sẽ mất cân bằng về giá, đồng thời đẩy gánh nặng lên người mua nhà.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu