Nhà đầu tư ngoại "mượn danh" doanh nghiệp trong nước
Trong những năm gần đây, tình trạng doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp trong nước đã âm thầm diễn ra tại một số địa phương. Dư luận mới đây tỏ ra lo lắng trước thông tin 21 lô đất gần sân bay quân sự tại TP. Đà Nẵng được mua bởi người Trung Quốc song do người Việt đứng tên. Theo lý giải của Sở TN&MT TP. Đà Nẵng, cá nhân người Việt từ nhiều năm trước đã chuyển nhượng quyền sử dụng 20 lô đất tọa lạc dọc tường sân bay Nước Mặn cho một doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên có tới 48% vốn góp của nhà đầu tư quốc tịch Trung Quốc. Hoặc cũng có lô từ doanh nghiệp trong nước nhưng sau lại được góp đến 90% vốn của công ty Mỹ với người đại diện là công dân Trung Quốc...
Bàn về nguy cơ doanh nghiệp địa ốc trong nước bị thâu tóm do thất bại trên sân nhà, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu cho biết, điều này khó xảy ra tính tới thời điểm hiện tại. Trên thực tế, doanh nghiệp nội đang thống lĩnh thị trường nhà đất với rất nhiều dự án lớn trên toàn quốc. Hiện tượng doanh nghiệp ngoại núp bóng nhà đầu tư nội thâu tóm bất động sản trong nước nhằm rút ngắn thời gian xin cấp phép đầu tư dự án mới đã được cảnh báo. Đáng chú ý, một số dự án nhà đầu tư nước ngoài quan tâm lại nằm ở địa điểm nhạy cảm, gần sân bay, ven biển, sát biên giới, trên sông như vùng lân cận sông Đồng Nai, Vân Phong, Vân Đồn, sân bay Long Thành.... ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng.
|
Các dự án bất động sản lớn tại Việt Nam đều của doanh nghiệp trong nước.
(Ảnh: Đình Sơn) |
Ông Lê Hoàng Châu cho biết thêm: "Thậm chí, có tập đoàn nước ngoài từng được giao dự án lớn tại vùng ven biển, lại đánh tiếng muốn thuê thêm mở rộng với số lượng từ hàng trăm đến hàng ngàn héc ta đất”, ông Châu thông tin và cho rằng, 21 lô đất tại Đà Nẵng mới đây được phát hiện là của chủ người Trung Quốc nhưng do người Việt đứng tên là những phát hiện nhỏ lẻ. “Họ không chính danh mà ẩn danh, núp bóng người Việt để thực hiện các hoạt động thâu tóm này. Đó cũng là một trong những lý do cần thiết có những cuộc rà soát trên toàn quốc".
Chưa thấy doanh nghiệp ngoại công khai thâu tóm
Theo thông tin từ Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, phân tích, ông Đinh Thế Hiển, Việt Nam hiện có 70 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng, bất động sản, khu công nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, với những doanh nghiệp lớn như VinGroup, Vinaconex, Novaland, Quốc Cường Gia Lai, FLC,...
Do đó, cần xem xét cơ cấu cổ đông, vốn của doanh nghiệp để đánh giá xem liệu có tình trạng nhà đầu tư trong nước bị công ty nước ngoài thâu tóm.
Bất kỳ cổ đông lớn nào đang sở hữu 5% vốn trở lên tại một công ty niêm yết theo quy định trên sàn chứng khoán phải báo cáo, công bố thông tin về các giao dịch mua bán cổ phiếu. Theo TS. Hiếu: "Nếu nói vốn ngoại thâu tóm chính thức doanh nghiệp nội trong lĩnh vực bất động sản thì tôi chưa thấy rõ. Nếu để xem xét và ngăn chặn những vụ thâu tóm ngầm thì chỉ cần kiểm tra khoanh vùng các dự án nghỉ dưỡng, bất động sản lớn với hàng trăm ha ở các khu du lịch ven biển, các vị trí trọng yếu ở nhiều tỉnh thành có liên quan về an ninh quốc phòng.
Đặc biệt nếu các dự án lớn lại giao cho những doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ thì phải xem xét nguồn gốc vốn từ đâu để thực hiện. Còn riêng với những doanh nghiệp chỉ làm dự án dân sinh, cho dù có vốn nước ngoài tham gia thì tôi thấy cũng bình thường.
Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, TS. Phan Hữu Thắng cho biết chưa nghe thông tin nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm dự án bất động sản. Các giao dịch mua đi bán lại là bình thường, chưa thấy phản ánh việc tăng đầu tư chiếm tỷ lệ vốn cao nhằm thâu tóm doanh nghiệp nội.
Ông Thắng bày tỏ: "Nếu có cảnh báo, cần cảnh báo các địa phương trong tiếp nhận vốn FDI vào lĩnh vực BĐS phải hết sức cẩn trọng, chọn lọc và có những tiêu chí cao hơn như công nghệ cao, đầu tư xanh. Trong quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 50 Bộ Chính trị có tiêu chí đầu tư phải bảo đảm quốc phòng, an ninh được đặt ra. Nếu gắn những tiêu chí này trong thu hút FDI vào BĐS, chúng ta cần phải đặt câu hỏi lại, liệu có cần thiết kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này nữa hay không? Nếu có thì nên kêu gọi vào lĩnh vực nào, lĩnh vực nào làm được, lĩnh vực nào nên tập trung hay nói đúng hơn là ưu tiên kêu gọi đầu tư trong nước mà thôi".
Bất động sản đứng thứ hai về thu hút vốn FDI
Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào lĩnh vực bất động sản tính từ đầu năm đến hết tháng 9/2019 đứng thứ hai, chiếm 10,6% tổng vốn đầu tư đăng ký với 1,77 tỷ USD.
|