Theo thông tin từ Sở Xây dựng, tổng số nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước cùng các nền đất ở do Nhà nước trực tiếp quản lý phục vụ tái định cư tính đến cuối năm 2018 là hơn 41.000 căn hộ, nền đất. Trong đó, gần 12.000 căn hộ và nền đất chưa được sử dụng (chiếm khoảng 29%).
Cơ quan này cho biết, phần lớn người dân đều chọn nhận nhà tái định cư trong những năm 2006-2010. Vậy nhưng, từ năm 2011 tới nay, đa số các cá nhân, hộ gia đình đủ điều kiện nhận bồi thường đều chọn phương án nhận tiền tự lo nơi ở mới.
|
Tp.HCM tiếp tục bán đấu giá hơn 5.000 căn hộ tái định cư |
Lý giải nguyên nhân dẫn tới thực trạng nêu trên, Sở Xây dựng Tp.HCM cho rằng, do Tp.HCM không đủ nguồn nhà phục vụ tái định cư nên phải bố trí tại các huyện, quận khác. Song, phần lớn người dân đều không đồng thuận với phương án này nên họ chọn hình thức tái định cư tại chỗ hoặc tự lo nơi ở mới.
Bên cạnh đó, việc một số dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước chưa đảm bảo chất lượng hoàn thiện, tạo dư luận không tốt và công tác quản lý dự án thiếu chuyên nghiệp, chưa có thiết kế cảnh quan, thiếu tiện ích... cũng là lý do khiến người dân không mặn mà với căn hộ tái định cư. Thế nên, việc bố trí sử dụng nhà tái định cư bị chậm trễ cũng như phát sinh chi phí bảo trì, quản lý, chậm thu hồi vốn.
Được biết, UBND Tp.HCM trước đó đã đồng ý giá bán 1.080 căn hộ thuộc khu 38,4 ha (phường Bình Khánh, quận 2) phục vụ tái định cư KĐTM Thủ Thiêm.
Cụ thể, giá bán và giá thuê không kinh doanh được tính bằng giá bán tái định cư nhân với 1,8 lần. Trong đó, giá thuê không kinh doanh được xác định trên cơ sở giá ban không kinh doanhh khấu hao 30 năm.
Những căn hộ này thuộc Chương trình xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ mục đích tái định cư KĐTM Thủ Thiêm. Chính quyền Tp.HCM trước đó đã báo cáo xin chủ trương Ban Thường vụ Thành ủy chấp thuận giá bán và giá thuê không kinh doanh cùng với giá bán, giá thuê bảo toàn vốn đối với 1.080 căn hộ theo đề xuất của Sở Tài chính cũng như thống nhất của các sở ngành.