SearchNews

Bộ Xây dựng lên tiếng trước hiện tượng "cò đất" lộng hành trên thị trường

14/01/2020 07:54

Tuy chưa được pháp luật công nhận nhưng "cò đất" vẫn hoạt động công khai, khiến uy tín của các nhà môi giới chuyên nghiệp bị ảnh hưởng. Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời về tình trạng này.

Vừa qua, văn bản kiến nghị gửi Bộ Xây dựng của cử tri tỉnh Long An có nêu tình trạng "cò đất" lộng hành, hoạt động công khai trong khi chưa được pháp luật công nhận. Theo đó, cử tri đề xuất Trung ương ban hành các quy định nhằm điều chỉnh hoạt động của môi giới bất động sản.

Trước vấn đề nêu trên, Bộ Xây dựng cho biết, hệ thống pháp luật về kinh doanh địa ốc đã quy định khá đầy đủ, hoàn chỉnh về hoạt động kinh doanh dịch vụ nhà đất gồm cả dịch vụ môi giới.

Hình ảnh một nhóm khách hàng và cò đất đứng trước một dự án đất nền
Tình trạng "cò đất" hoạt động công khai, phổ biến làm ảnh hưởng tới uy tín của các nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp. (Ảnh minh họa)

Những quy định về người hành nghề môi giới địa ốc và hoạt động môi giới nhà đất đã được quy định cụ thể trong Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Điều 62, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 quy định như sau: Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải thành lập doanh nghiệp. Đồng thời, ít nhất phải có 2 người đã được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới. Hai yêu cầu mà cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới nhà đất độc lập phải đáp ứng là phải đăng ký nộp thuế theo quy định; phải có chứng chỉ hành nghề môi giới.

Được biết, các quy định về việc bồi dưỡng, hướng dẫn, đào tạo kiến thức về nghề môi giới địa ốc; cấp chứng chỉ hành nghề môi giới... được nêu rõ tại Thông tư số 11/2015/TT-BXD ban hành năm 2015 của Bộ Xây dựng.

Mặt khác, Chính phủ năm 2017 cũng đã ban hành Nghị định số 139/2017/NĐ-CP quy định về biện pháp xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh địa ốc, bao gồm cả hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới.

Bộ Xây dựng cho rằng, tình trạng "cò đất" hoạt động không đúng theo quy định hiện hành tại một số địa phương làm ảnh hưởng tới các nhà môi giới chuyên nghiệp. Vậy nên, các cơ quan chức năng cần có biện pháp quản lý chặt hoạt động môi giới để khắc phục tình trạng này. Đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động môi giới bất động sản, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý nghiêm.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản đốc thúc các địa phương tăng cường công tác quản lý hoạt động môi giới địa ốc, giúp thị trường phát triển lành mạnh và minh bạch hơn. Ngoài ra, những quy định liên quan tới hoạt động môi giới cũng sẽ được Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, có đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu