SearchNews

Mua nhà ở hình thành trong tương lai và những lưu ý quan trọng

10/06/2021 07:29

Mua nhà ở hình thành trong tương lai có những lợi thế nhất định đối với cả người mua lẫn chủ đầu tư dự án. Hình thức mua bán bất động sản này hiện rất phổ biến, nhất là đối với phân khúc chung cư. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ pháp lý dự án, không nắm rõ luật kinh doanh bất động sản thì khách hàng có thể gặp rủi ro, thiệt hại.

Vậy cần lưu ý gì khi mua nhà ở hình thành trong tương lai? Điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai như thế nào? Có được chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ những vấn đề này.

1. Nhà ở hình thành trong tương lai là gì?

Khoản 19, Điều 3, Luật nhà ở năm 2014 nêu rõ: "Nhà ở hình thành trong tương lai là nhà ở đang trong quá trình đầu tư xây dựng và chưa nghiệm thu đưa vào sử dụng."

Tương tự, theo quy định tại Khoản 4, Điều 3, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014: "Nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là nhà, công trình xây dựng đang trong quá trình xây dựng và chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng."

Như vậy, nhà ở hình thành trong tương lai là một loại bất động sản/tài sản chưa có sẵn, chưa tồn tại trên thực tế, chỉ mới hiện hữu "trên giấy". Nhà ở này sẽ được xây dựng và bàn giao cho người mua trong tương lai.

hình ảnh bàn tay nâng đỡ mô hình ngôi nhà trong suốt minh họa cho nhà ở hình thành trong tương lai
Hình thức mua nhà ở hình thành trong tương lai hiện rất phổ biến và được ưa chuộng.

2. Điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai

Chủ đầu tư dự án nhà ở "trên giấy" chỉ được mở bán, huy động vốn nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

  • Có giấy phép xây dựng;

  • Có đầy đủ hồ sơ dự án;

  • Thiết kế bản vẽ thi công đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

  • Có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng;

  • Có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng tòa nhà đối với nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai.

  • Có biên bản nghiệm thu về việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng tương ứng theo tiến độ dự án đối với nhà ở liền kề/thấp tầng.

Theo Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, nếu chưa hoàn thiện móng mà chủ đầu tư muốn huy động vốn thì phải ký hợp đồng hợp tác đầu tư với khách hàng. Chủ đầu tư nhận vốn góp phải trả bằng lãi suất và không được tính vào giá trị căn hộ.

Trước khi bán nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư phải soạn thảo văn bản thông báo gửi tới cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc cung cấp điều kiện nhà bán. Sau khi nhận được thông báo, trong vòng 15 ngày, cơ quan này sẽ gửi văn bản cho chủ đầu tư về việc nhà ở có đủ điều kiện mở bán hay không. Công văn cũng nêu rõ số lượng nhà ở đủ điều kiện bán.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án nhà ở còn phải được một ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ cam kết. Chủ đầu tư phải gửi kèm 1 bản sao hợp đồng bảo lãnh cho khách hàng khi ký hợp đồng mua bán nhà.

Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai được ký kết dựa trên cơ sở tự nguyện giữa hai bên mua - bán. Bên mua thực hiện thanh toán theo tiến độ thi công, Bên bán cam kết bàn giao nhà ở đúng thời hạn. 

>>> Xem thêm: Bộ Xây dựng yêu cầu công khai thông tin dự án nhà ở hình thành trong tương lai

3. Mua nhà "trên giấy" có nhiều lợi thế?

Hình thức mua bán nhà ở hình thành trong tương lai được quy định rõ ràng trong Luật Kinh doanh bất động sản. Hiện nay, hầu hết các chủ đầu tư và khách hàng đều chọn hình thức mua bán nhà ở "trên giấy" bởi nhiều ưu điểm vượt trội như:

hình ảnh cận cảnh bàn tay nâng đỡ mô hình ngôi nhà minh họa cho nhà xây theo tiến độ
Người mua giảm được áp lực tài chính khi mua nhà xây theo tiến độ.

- Đối với người mua nhà: Khi mua nhà ở hình thành trong tương lai, người mua sẽ giảm được áp lực tài chính đáng kể, có thêm thời gian để chuẩn bị tài chính vì việc thanh toán sẽ chia làm nhiều đợt theo tiến độ dự án.

Người mua có thể vay ngân hàng mua nhà mà không cần thế chấp tài sản khác. Chưa kể, khách hàng còn được hưởng mức giá ưu đãi. Điểm này đặc biệt có lợi cho các gia đình trẻ, những người chưa có nhiều tích lũy.

- Đối với chủ đầu tư: Việc bán nhà ở hình thành trong tương lai giúp chủ đầu tư có thể huy động thêm vốn ngoài vốn vay để triển khai dự án, phục vụ quá trình xây dựng và tạo lập nhà ở.

4. Mua nhà ở hình thành trong tương lai cần lưu ý gì?

Bên cạnh những lợi thế nhất định, việc mua nhà ở hình thành trong tương lai cũng tiềm ẩn không ít rủi ro vì thực chất thì tài sản này chưa có trên thực tế. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng mà người mua nhà nên biết để tránh "tiền mất tật mang".

Chọn chủ đầu tư uy tín

Người mua nên chọn dự án nhà ở của chủ đầu tư uy tín, năng lực tài chính đảm bảo để công trình được triển khai đúng tiến độ đã cam kết. Muốn biết chủ đầu tư như thế nào, bạn cần tìm hiểu các thông tin sau:

  • Thông tin tổng quan: Tên công ty đăng ký doanh nghiệp, mã số thuế, số năm hoạt động, chứng từ pháp lý,...

  • Năng lực tài chính: Thể hiện qua báo cáo tài chính gần nhất về tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận...

  • Tìm hiểu thực tế về những dự án mà chủ đầu tư đã thực hiện trước đó: Có đúng tiến độ cam kết? Có chậm bàn giao quá lâu? Chất lượng dự án ra sao? Quá trình vận hành và quản lý dự án sau khi bàn giao cho khách hàng có tốt không?

  • Đơn vị thiết kế, thi công, phân phối: Chủ đầu tư đã và đang hợp tác với các đơn vị thiết kế, thi công, phân phối nào? Có uy tín, chuyên nghiệp và minh bạch thông tin dự án hay không? Chất lượng sản phẩm không cao nếu chủ đầu tư chọn đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát thiếu năng lực, kinh nghiệm.

  • Người mua cũng cần kiểm tra xem chủ đầu tư đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như giấy nộp tiền sử dụng đất dự án, thuế phí liên quan tới dự án hay chưa. Nếu chủ đầu tư còn nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì cư dân không thể làm hồ sơ xin cấp sổ hồng.

Kiểm tra kỹ pháp lý dự án

Đây là vấn đề vô cùng quan trọng mà bạn phải tìm hiểu kỹ lưỡng khi mua nhà dự án hình thành trong tương lai. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp dự án nhà ở bị "đóng băng" vì không đảm bảo tính pháp lý và người mua nhà là người chịu thiệt.

Vậy khi kiểm tra pháp lý dự án, cần lưu ý những vấn đề nào? Pháp luật về nhà ở hình thành trong tương lai hiện đã được quy định rõ ràng, chi tiết - người mua nhà cần nắm rõ.

hình ảnh cận cảnh búa pháp luật cạnh mô hình ngôi nhà có mái màu xám đen
Pháp lý dự án là yếu tố tiên quyết mà người mua nhà ở "trên giấy" không thể bỏ qua.

Dự án nhà ở hình thành trong tương lai phải thỏa mãn các điều kiện mở bán

Theo Khoản 1, Điều 55, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014, chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai chỉ được mở bán khi có đủ các loại giấy tờ sau:

+ Giấy tờ về quyền sử dụng đất;

+ Có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng;

+ Hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Giấy tờ nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án;

+ Nếu là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở hình thành trong tương lai thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

Dự án bất động sản hình thành trong tương lai phải được ngân hàng bảo lãnh

Theo Khoản 1, Điều 56, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi bản sao hợp đồng bảo lãnh cho bên mua, bên thuê mua khi ký kết hợp đồng mua, thuê mua. Hợp đồng bảo lãnh có thời hạn cho đến khi nhà ở được bàn giao cho bên mua, bên thuê mua.

Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì bên bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.

Do đó, khi mua nhà ở hình thành trong tương lai, khách hàng cần xem xét dự án được ngân hàng nào bảo lãnh, ngân hàng đó có uy tín, có đủ năng lực tài chính không. Đồng thời, người mua nhà phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp bản sao cam kết bảo lãnh để bảo đảm phạm vi bảo lãnh của ngân hàng đã phù hợp với phạm vi trách nhiệm của chủ đầu tư trong hợp đồng.

Mặt khác, khách hàng cũng nên yêu cầu chủ đầu tư xác định cụ thể thời hạn bàn giao nhà/căn hộ, tránh tình trạng chờ đợi vô thời hạn. Nếu cho phép chủ đầu tư gia hạn thì cần quy định thời hạn tối đa. Lý do là, căn cứ vào thời hạn bàn giao nhà, xem chủ đầu tư có thực hiện bàn giao đúng tiến độ hay không mới có cơ sở nhận được bảo lãnh từ phía ngân hàng.

Quy định về ngân hàng bảo lãnh này buộc chủ đầu tư, nhà phát triển dự án bất động sản, nhà ở cần chọn một trong hai phương án sau: Nếu muốn bán, muốn cho thuê nhà hình thành trong tương lai thì phải được ngân hàng thương mại bảo lãnh; còn nếu không muốn ngân hàng bảo lãnh thì doanh nghiệp phải xây xong dự án mới được bán.

Chủ đầu tư được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận việc cho phép chuyển nhượng nhà ở hình thành trong tương lai

Theo Khoản 2, Điều 55, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, chủ đầu tư trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai cần có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.

Kể từ ngày nhận được thông báo, trong vòng 15 ngày, cơ quan quản lý đó có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho chủ đầu tư về nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua; nếu không đủ điều kiện phải nêu rõ lý do.

hình ảnh cận cảnh chìa khóa đặt trong lòng bàn tay, phía sau là bàn tay nâng đỡ mô hình ngôi nhà
Chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai chỉ được mở bán khi thỏa mãn các điều kiện mở bán theo quy định hiện hành.

Nếu chủ đầu tư thế chấp dự án, thế chấp nhà ở sẽ bán thì phải được giải chấp

Điểm b, Khoản 2, Điều 19, Nghị định 99/2015/NĐ-CP nêu rõ, trường hợp có thế chấp dự án đầu tư xây dựng hoặc thế chấp nhà ở sẽ bán thì chủ đầu tư phải gửi kèm theo giấy tờ chứng minh đã giải chấp hoặc biên bản thống nhất của bên mua và bên nhận thế chấp về việc không phải giải chấp và được mua bán nhà ở đó.

Nếu không có thế chấp dự án hoặc thế chấp nhà ở sẽ bán, sẽ cho thuê mua thì chủ đầu tư phải ghi rõ cam kết chịu trách nhiệm trong văn bản gửi Sở Xây dựng.

Vậy nên, người mua nhà ở hình thành trong tương lai cần yêu cầu chủ đầu tư dự án cung cấp các giấy tờ, tài liệu chứng minh việc thế chấp, giải chấp nêu trên.

Bên mua có được chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai?

Khoản 1, Điều 59, Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định, trường hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua chưa được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì khách hàng được phép chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai khi không còn ý định muốn ở hoặc vì một lý do nào đó.

Khi đó, bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở cuối cùng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo luật định.

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng hợp đồng nhà ở hình thành trong tương lai này không áp dụng đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở xã hội.

Xem xét bản vẽ chi tiết 1/500 

Thông thường, chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai sẽ thiết kế những hình ảnh phối cảnh 3D hoặc video 3D rất đẹp, rất sống động nhằm thu hút khách mua. Cùng với đó, nhà mẫu dự án cũng được thiết kế chỉn chu, trang trí hoàn hảo đến từng chi tiết nhỏ.

Người mua nhà cần tỉnh táo. Bạn hãy xem xét bản vẽ chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có đầy đủ những hạng mục trên phối cảnh 3D, nhà mẫu hay không.

Lưu ý về tiến độ thanh toán

Điều 57, Luật kinh doanh bất động sản 2014 quy định, việc thanh toán trong mua bán nhà ở hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần, cụ thể:

  • Lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng;

  • Những lần tiếp theo phải phù hợp với tiến độ xây dựng nhưng tổng thanh toán không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng; không quá 50% giá trị hợp đồng nếu bên bán, bên cho thuê mua là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

  • Bên bán không được thu quá 95% giá trị hợp đồng nếu bên mua chưa được cấp sổ đỏ, sổ hồng. Giá trị còn lại của hợp đồng được thanh toán khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp sổ đỏ, sổ hồng cho bên mua, bên thuê mua.

Chính sách cho vay mua nhà của ngân hàng ra sao?

Hiện nay, hầu như tất cả các dự án nhà ở hình thành trong tương lai đều được các ngân hàng liên kết có chính sách cho vay mua nhà ưu đãi cho khách hàng. Nhờ đó, người mua nhà ở không bị quá áp lực về mặt tài chính trong khoảng một khoảng thời gian ngắn, tăng cơ hội tiếp cận nhà ở.

Để mọi việc diễn ra suôn sẻ, tránh rủi ro phát sinh, người vay mua nhà cần lưu ý một số vấn quan trọng như xác định khoản vay hợp lý, nắm rõ cách tính lãi suất, đọc kỹ hợp đồng vay mua nhà, những cam kết, ràng buộc cụ thể...

>>> Xem thêm: Mua chung cư trả góp và những lưu ý "nằm lòng"

Thường xuyên cập nhật tiến độ xây dựng

Thông thường, quá trình xây dựng nhà ở hình thành trong tương lai sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, được chia thành nhiều giai đoạn: Thi công phần móng, xây dựng phần thân, tiến hành cất nóc, hoàn thiện, nghiệm thu và hoàn công.

Để biết nhà/căn hộ có được bàn giao đúng hạn đã cam kết hay không, khách hàng nên thường xuyên cập nhất thông tin về tiến độ xây dựng thực tế tại dự án.

Tiến độ dự án liên quan mật thiết tới tiến độ thanh toán tiền mua nhà. Do đó, khách hàng nên tìm hiểu xem tiến độ xây dựng có tương ứng với các đợt thanh toán hay không nhằm tránh trường hợp thanh toán quá nhanh trong khi dự án thi công chậm trễ, không đúng thời hạn cam kết.

Ngoài ra, khách hàng cũng nên xem xét tính khả thi cũng như thời gian hoàn thiện các hạng mục tiện ích đi kèm dự án.

hình ảnh cận ảnh phần thân trên của các tòa chung cư đang xây dựng
Tiến độ dự án là một trong những vấn đề cần lưu tâm khi mua nhà ở xây theo tiến độ.

Lưu ý các điều khoản hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai

Trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bán nhà ở "trên giấy", người mua cần đọc kỹ các điều khoản sau trong hợp đồng nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra.

  • Điều khoản quy định về quyền và nghĩa vụ của bên mua, bên bán;

  • Thời gian bàn giao căn hộ;

  • Điều khoản về thanh toán;

  • Thời điểm chuyển quyền sở hữu, thời hạn được cấp sổ đỏ, sổ hồng;

  • Các chế tài phạt khi các bên vi phạm hợp đồng, đặc biệt là quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư khi chậm bàn giao. Bên mua có quyền đưa ra yêu cầu, cam kết bồi thường bằng văn bản cụ thể. Trường hợp chủ đầu tư tiếp tục vi phạm, bên mua được quyền tiến hành các biện pháp pháp lý, công khai thông tin.

  • Điều khoản thỏa thuận khác về chi phí như phí quản lý, phí bảo trì, bảo dưỡng...

  • Bên mua yêu cầu chủ đầu tư đưa nhà mẫu vào phụ lục hợp đồng để xác định đó sẽ là mẫu nhà sẽ bàn giao.

Lưu ý, người ký hợp đồng với khách hàng phải là người đại diện theo pháp luật hoặc người được người đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư ủy quyền và có giấy ủy quyền hợp pháp.

Hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai cần tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014. Đôi bên có thể bổ sung điều khoản thỏa thuận nhưng không được vi phạm pháp luật, đồng thời phải có công chứng đầy đủ.

Kiểm tra kỹ khi nhận bàn giao căn hộ

Có thể nói, nhận bàn giao căn hộ là thời điểm mà người mua nhà ở hình thành trong tương lai mong đợi nhất, hào hứng nhất.  Tuy nhiên, đừng vì thế mà bỏ qua khâu kiểm tra, xem xét cụ thể từng chi tiết của sản phẩm cuối cùng này. Bởi lẽ, khi đã kết thúc việc nhận bàn giao thì người mua không thể quy trách nhiệm cho chủ đầu tư đối với những vấn đề chưa ổn thỏa.

Bạn sẽ căn cứ vào hợp đồng, phụ lục hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư để kiểm tra các phần bàn giao đã ổn chưa. Người mua có thể rủ thêm người có chuyên môn, kinh nghiệm đi cùng để kiểm tra căn hộ trước khi hoàn tất việc nhận bàn giao.

Kiểm tra tủ bếp khi nhận bàn giao căn hộ chung cư
Chủ căn hộ kiểm tra tủ bếp khi nhận bàn giao nhà chung cư. 

Nhận bàn giao căn hộ chung cư, người mua nhà cần lưu ý những vấn đề sau:

- Đo đạc lại diện tích căn hộ: Kiểm tra xem có đúng như trong hợp đồng mua bán đã ký kết với chủ đầu tư. Nếu phát hiện sai lệch quá nhiều thì người mua có quyền mời bên thứ ba có tư cách pháp nhân về đo đạc xác định lại diện tích căn hộ.

- Kiểm tra tường, trần: Xem có nứt nẻ, loang lổ sơn hay không, nếu có hiện tượng nứt phải yêu cầu xử lý ngay. Cũng cần kiểm tra độ phẳng của tường, nhất là ở chỗ giáp lai giữa hai tầm giáo, ở độ cao khoảng 1,5-1,8m.

- Kiểm tra sàn: Với sàn gỗ, cần kiểm tra toàn bộ bề mặt sàn gỗ xem có bị phồng rộp, lưu ý vị trí gần cửa, góc nhà, cạnh tường. Ván gỗ lát sàn phải đều màu, lớp vân phủ bề mặt không bị xước, lỗi. Khe hở giữa hai tấm gỗ không được quá lớn. Nếu phát hiện lỗi phải yêu cầu khắc phục ngay.

Với sàn gạch, yêu cầu mạch phải thẳng, đều nhau và sắc nét. Bề mặt gạch phải không còn vữa, bột trét mạch. Kích cỡ, màu sắc, hoa văn và độ bám dính của gạch phải đồng đều, đẹp mắt.

- Kiểm tra cửa chính, cửa sổ: Với cửa chính, yêu cầu phải lắp thẳng, bản lề đúc chìm vào trong khuôn, không xước, không dính sơn PU, đầu vít ổn. Cửa nên cách sàn 5mm, cách khuôn không quá 2mm. Khi đóng cửa lại hãy xem các khe cửa, khuôn cửa có bị lọt sáng hay không.

Về khóa cửa, phải dễ vặn mở, không lỏng lẻo, không bị kẹt, chìa khóa dễ dàng đút vào rút ra khỏi ổ. Chìa khóa cần được giao đúng và đủ số lượng chìa, nếu không sẽ yêu cầu thay khóa mới.

Với cửa sổ, cần đảm bảo đóng mở cửa dễ dàng, trám khe giữa tường và cửa sổ cũng như giữa các chi tiết cửa sổ phải kín khít, nẹp cửa phải chắc chắn.

- Kiểm tra ban công, lô gia: Lan can cần được lắp chắc chắn, đảm bảo chiều cao an toàn, các mối hàn không bị han gỉ. Đồng thời, phải có phễu thoát nước cho logia, ban công.

- Kiểm tra hệ thống cấp, thoát nước: Cần kiểm tra các đầu cấp nước đều có nước hay không, áp lực nước như thế nào, vòi xịt và vòi sen có bị rò rỉ... Hệ thống thoát nước phải đảm bảo, độ dốc chuẩn, không bị tắc lỗ thoát nước.

- Kiểm tra hệ thống điện: Kiểm tra số lượng aptomat xem có đủ không và phải hoạt động tốt. Nên kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng xem có bị nứt, vở, hư hỏng hay không. Các ổ cắm điện phải được bố trí hợp lý, phải có điện và mất điện khi ngắt aptomat. Dùng bút thử điện kiểm tra ngẫu nhiên trên tường, xung quanh ổ điện. công tắc xem có rò điện không.

- Kiểm tra các vị trí lắp mạng, tivi đã có sẵn đầu chờ hay chưa, nếu chưa có cần yêu cầu bố trí ngay.

- Kiểm tra hệ thống điều hòa, hệ thống hút mùi có được lắp đặt đầy đủ và đảm bảo hiệu quả sử dụng. Kiểm tra độ an toàn của bình nóng lạnh, xem có không bị rò điện không, có dây mát chống giật chưa...

- Chống thấm: Kiểm tra xem có hiện tượng thấm tại các vị trí như tường, đặc biệt là chân tường vệ sinh, logia, ban công và hộp kỹ thuật. Nếu có phải yêu cầu khắc phục ngay.

- Kiểm tra thiết bị báo cháy: Bạn nên kiểm tra xem đầu báo cháy trong căn hộ, búa, vòi nước ngoài hàng lang có chưa. 

Lưu ý, sau khi kiểm tra, nếu phát hiện có vấn đề, bạn cần ghi rõ ràng, cụ thể các yêu cầu sửa chữa trong biên bản bàn giao nhà hoặc phiếu yêu cầu khắc phục sau khi đã thống nhất với tư vấn giám sát.

Nếu mọi thứ trong căn hộ đều đúng như cam kết thì chủ chủ căn hộ ký nghiệm thu nhà. Người mua nhà nên chốt chỉ số công tơ điện, nước, lấy bản vẽ hoàn công để tiện sửa sang, thiết kế nội thất, tránh khoan đục nhầm vào đường nước, đường điện.

Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm tra các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xã hội như khu vực gửi xe, đường giao thông nội bộ, hệ thống phòng cháy chữa cháy, xử lý nước thải, hệ thống quản lý an ninh, lối thoát hiểm… Khách hàng có quyền từ chối nhận bàn giao căn hộ nếu chủ đầu tư chưa hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, xã hội theo thiết kế đã duyệt.

Chú ý thời gian nhận sổ hồng

Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp sổ hồng chung cư cho người mua căn hộ trong vòng 50 ngày, tính từ ngày bàn giao căn hộ. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều trường hợp cư dân đã nhận bào giao nhà, đã dọn vào ở một thời gian khá lâu mà vẫn chưa được nhận sổ bởi nhiều nguyên nhân. Lý do chính thường từ phía chủ đầu tư:

  • Chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục pháp lý.

  • Chủ đầu tư chậm trễ trong việc thực hiện thủ tục hoàn công.

  • Chủ đầu tư thế chấp tài sản tại ngân hàng và chưa giải chấp.

  • Chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Chính vì vậy, người mua nhà cần phải theo sát, thường xuyên cập nhật tình hình cấp sổ hồng và được quyền kiến nghị, khiếu nại, yêu cầu chủ đầu tư sớm hoàn thành nghĩa vụ đã cam kết.

Với những thông tin hữu ích về việc mua bán nhà ở hình thành trong tương lai mà Dothi.net chia sẻ trên đây, bạn đọc đã nẵm rõ thế nào là mua nhà xây theo tiến độ, cần lưu ý gì để tránh rủi ro, phát sinh không mong muốn.

 

Lam Giang

 

>> [Infographic] 9 sai lầm người mua nhà lần đầu hay mắc phải

>> Được và mất gì khi mua nhà dự án vào đợt mở bán đầu tiên?

>> Có được từ chối nhận bàn giao nhà sai thiết kế?

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu