Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định, diễn biến của nền kinh tế vi mô, thương chiến Mỹ - Trung và tiến độ pháp lý là những yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư bất động sản.
Xu hướng đầu tư phòng thủ kiểu "ăn chắc mặc bền", tâm lý nghe ngóng chờ đợi tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm nay. Thế nên, những loại hình bất động sản có khả năng mang lại lợi nhuận được dự báo sẽ khuấy động thị trường trong các tháng cuối năm.
Sau đây là 3 kênh đầu tư hấp dẫn trong những tháng cuối năm 2019:
1. Bất động sản khu công nghiệp
Chuyên gia Huỳnh Phước Nghĩa cho rằng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, bất động sản khu công nghiệp sẽ là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong các tháng cuối năm 2019. Với chất xúc tác này, Việt Nam nằm trong tầm ngắm của các nhà sản xuất ngoại. Họ sẽ dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á, nơi có chi phí thấp hơn. Dĩ nhiên, Việt Nam ít nhiều sẽ được hưởng lợi bởi xu hướng đó.
Thị trường công nghiệp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn, nhu cầu với bất động sản công nghiệp gia tăng khi Việt Nam nỗ lực mở rộng khu vực thương mại tự do, điển hình là hồi cuối tháng 6/2019, Hiệp định thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) đã được ký kết.
Thương chiến Mỹ - Trung ngày càng phức tạp khiến nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp Việt Nam tăng cao. Tùy vùng miền và khu vực, giá thuê mặt bằng, đất công nghiệp, nhà xưởng tăng từ 10-15%. Nguồn cung bất động sản công nghiệp được dự báo sẽ gia tăng trong những tháng cuối năm. Cùng với đó là nhiều thương vụ mua bán sáp nhập, đón thêm nhiều nhà đầu tư, khách thuê mới.
|
Bất động sản nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, tài sản cho thuê tốt hứa hẹn sẽ tăng nhiệt trong những tháng cuối năm 2019. Trong ảnh: Bất động sản công nghiệp, hậu cần tại Việt Nam. (Nguồn ảnh: JLL) |
2. Bất động sản nghỉ dưỡng
Theo số liệu thống kê sơ bộ 8 tháng đầu năm 2019, trên phạm vi toàn quốc, rổ hàng bất động sản nghỉ dưỡng đều gia tăng. Đáng chú ý, tỷ lệ nhà đầu tư tham gia thị trường chọn bất động sản ven biển chiếm khoảng hơn 65%.
Cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư cá nhân đang dần quen với bán kính dịch chuyển thị trường xa hơn, quy mô và độ mở của thị trường cũng đang lớn dần. Đây là điểm khác biệt lớn của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng so với giai đoạn trước đó.
Theo ông Nghĩa, trong vài quý tới đây, xu hướng đầu tư bất động sản ven biển sẽ tiếp tục tăng cao. Những yếu tố như ngành du lịch tăng trưởng mạnh, kết nối hạ tầng liên vùng ngày càng tốt hơn gồm cả đường hàng không và đường bộ góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Cùng với sự gia tăng của lượng du khách quốc tế, khách du lịch trong nước cũng gia tăng mạnh về lượng và biến đổi về chất (thị hiếu tiêu dùng khi đi du lịch, thói quen du lịch). Bởi lẽ, khi đời sống của người dân được nâng cao thì nhu cầu du lịch, trải nghiệm ngày càng tăng. Làn sóng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng trong vài quý đến vài năm tới sẽ tiếp tục gia tăng bởi tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp "không khói" tại Việt Nam chưa được khai thác hết.
3. Bất động sản đa năng (sở hữu, tích lũy, khai thác cho thuê)
Chuyên gia Huỳnh Phước Nghĩa đánh giá, thị trường địa ốc trong 8 tháng qua có xu hướng đi ngang, sụt giảm cả về nguồn cung lẫn giao dịch tại những thành phố lớn trên cả nước. Thế nên, giới đầu tư trở nên do dự, phòng thủ nhiều hơn so với những năm 2016 - 2018.
Chính bởi vậy, trong những tháng còn lại của năm 2019, các phân khúc văn phòng, nhà ở, dịch vụ và thương mại có thể đáp ứng được nhu cầu sở hữu tài sản, tích lũy, khai thác cho thuê, hút mạnh dòng tiền đầu tư hơn so với loại hình bất động sản đầu tư "lướt sóng" thông thường. Đối với kịch bản khó đoán định của thị trường trong vòng 1 năm tới, xu hướng tâm lý này được coi là bước đệm phòng thủ.