SearchNews

Lãi suất cao, trái phiếu bất động sản vẫn ế ẩm

05/09/2019 08:04

Tỷ lệ chào bán thất bại của trái phiếu bất động sản vẫn cao nhất dù lãi suất bình quân hơn 10%. Thậm chí, mức lãi này còn lên đến 12-13% trong nhiều đợt phát hành.

Theo báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán SSI, trong 8 tháng đầu năm 2019, lĩnh vực đứng thứ 2 về lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là bất động sản. Khối lượng phát hành trái phiếu của ngành địa ốc chiếm gần 1/3 tổng thị trường, tuy nhiên tỷ lệ chào bán trái phiếu thành công lại xếp cuối.

Cụ thể, 44 doanh nghiệp địa ốc chào bán trái phiếu với 139 đợt, tổng khối lượng lên tới 47.800 tỷ đồng. Thế nhưng, tỷ lệ chào bán thành công chỉ đạt hơn 77%. Báo cáo của SSI chỉ rõ: "Đây là mức thấp nhất trong các nhóm".

Mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng đã ra văn bản yêu cầu các ngân hàng rà soát hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nhất là đối với việc đầu tư hoặc tăng quy mô vốn cho các tổ chức phát hành thuộc ngành bất động sản. Theo chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại không được mua trái phiếu để cơ cấu lại khoản nợ của doanh nghiệp phát hành và phải có biện pháp giám sát sau cho vay, giảm thiểu phát sinh nợ xấu.

trái phiếu bất động sản ế ẩm
Tỷ lệ chào bán thành công của trái phiếu bất động sản thấp nhất dù lãi suất ở mức cao hơn hẳn ngân hàng. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)

Theo nhận định của nhóm phân tích: "Bất động sản là lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Rủi ro cao hơn nên lãi suất trái phiếu thuộc nhóm cao nhất cũng là điều dễ hiểu". Câu hỏi đặt ra là, vì sao tỷ lệ thành công của trái phiếu bất động sản xếp cuối bảng trong khi mức lãi suất rất hấp dẫn?

Thực tế cho thấy, các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp địa ốc thường có lãi suất cao hơn nhiều so với ngành ngân hàng. Trong 8 tháng đầu năm nay, lãi suất trung bình của trái phiếu bất động sản đạt 10,01%. Lãi suất phát hành bình quân của lĩnh vực địa ốc tăng 10,3%/năm nếu không tính 4 doanh nghiệp huy động vốn với mức lãi dưới 8%. Dù chỉ có mức lãi suất bình quân 6,72%/năm nhưng tỷ lệ phát hành trái phiếu thành công của lĩnh vực ngân hàng đứng đầu bảng.

Trong đợt thoái vốn của SCIC, Công ty TNHH An Quý Hưng đã thâu tóm Vinaconex. Đơn vị này có đợt phát hành trái phiếu 2.000 tỷ đồng với mức lãi lên đến 12%/năm nhưng vẫn không thành.

Theo một số chuyên gia, lý do khiến doanh nghiệp địa ốc phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhưng tỷ lệ chào bán thành công xếp cuối chủ yếu do khẩu vị rủi ro của những khách hàng tiềm năng, nhất là các định chế tài chính lớn. Họ không dễ dàng rót tiền đầu tư chỉ vì lãi suất cao.

Bàn về vấn đề này, Trưởng nhóm vĩ mô của Công ty chứng khoán BIDV (BSI), ông Bùi Nguyên Khoa biết, trong bối cảnh bị ngân hàng siết tín dụng, các doanh nghiệp địa ốc phải tìm nguồn vốn khác thay thế. Trái phiếu là một trong những kênh huy động vốn mà doanh nghiệp lựa chọn.

Vậy nhưng, theo ông Khoa, có thể kênh trái phiếu chỉ là biện pháp để doanh nghiệp "lách" việc kiểm soát vốn. Bởi lẽ, các đợt phát hành trái phiếu bất động sản phần lớn được thực hiện bằng hình thức riêng lẻ, giới hạn số lượng nhà đầu tư, khối lượng lớn. Đối tượng mua trái phiếu phải là những đơn vị có tiềm lực tài chính mạnh như công ty chứng khoán hoặc ngân hàng.

Dữ liệu thống kê của SSI cho hay, trong tổng số trái phiếu doanh nghiệp trị giá 36.876 tỷ đồng phát hành thành công, lượng trái phiếu được mua bởi các ngân hàng thương mại chiếm hơn 20%, công ty chứng khoán mua gần 9%, nhà đầu tư trong nước mua hơn 60%.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, các công ty chứng khoán hoặc ngân hàng sẽ không chọn bừa chỉ vì lãi suất cao. Theo vị này: "Các tổ chức mua và đơn vị phát hành thông thường có những mối quan hệ từ trước và họ hiểu về tổ chức phát hành cũng như mức độ rủi ro. Lãi suất cao giúp tăng tính hấp dẫn, nhưng không có nghĩa nó là tấm bùa giúp các đợt chào bán chắc chắn sẽ thành công".

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu