SearchNews

Doanh nghiệp chạy làng

13/09/2006 09:33

Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, tính từ năm 2004, các phiên đấu giá sử dụng đất trên toàn Thành phố đạt giá trị hơn 3.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư mới chỉ thu được khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, các đơn vị trúng giá vẫn còn nợ hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, tính từ năm 2004, các phiên đấu giá sử dụng đất trên toàn Thành phố đạt giá trị hơn 3.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư mới chỉ thu được khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, các đơn vị trúng giá vẫn còn nợ hơn 1.500 tỷ đồng.

Có nhiều lý do được các doanh nghiệp đưa ra để trì hoãn việc nộp tiền trúng giá quyền sử dụng đất, như cơ sở hạ tầng khu đất chưa hoàn thiện, hoặc diện tích đất vượt quá nhu cầu sử dụng.

Nhưng theo các nhà đầu tư có kinh nghiệm, nguyên nhân chính của tình trạng này là khi đấu giá, một số doanh nghiệp đã cố tình bỏ giá cao để giữ đất chờ bất động sản lên giá sẽ bán lại kiếm lời, song do thị trường bất động sản trầm lắng quá lâu và tiếp tục xuống giá, nên nhiều nhà đầu tư đã nghĩ đến phương án “bỏ của chạy lấy người”, chấp nhận mất tiền bảo lãnh đấu giá.

Một ví dụ điển hình cho tình trạng nợ đọng tiền đấu giá đất tại Hà Nội là các dự án trên địa bàn quận Tây Hồ. 8 tháng đầu năm 2006, quận Tây Hồ đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất với số tiền 299 tỷ đồng, nhưng số tiền thu được chỉ là gần 70 tỷ đồng.

Nếu tính từ năm 2004 trở lại đây, tổng số tiền các doanh nghiệp còn nợ tại các dự án đấu giá đất ở quận Tây Hồ đã lên đến hơn 610 tỷ đồng. Chẳng hạn, Công ty TNHH Dược thú y Thăng Long trúng thầu 2.808 m2 đất từ tháng 2/2006, phải nộp tổng cộng 30,7 tỷ đồng, nhưng đến nay mới nộp được 900 triệu đồng tiền đặt cọc.

Tương tự, Công ty Hồng Lam nợ 35 tỷ đồng từ năm 2004, nhưng đã 2 năm trôi qua, đơn vị này vẫn chưa thanh toán cho chủ đầu tư. Quận Tây Hồ đã nhiều lần gửi công văn, gọi điện thoại yêu cầu các doanh nghiệp nộp tiền theo đúng quy trình đấu giá đất, nhưng kết quả không mấy khả quan. Nhiều quận, huyện khác như Đông Anh, Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Trì cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Theo các ban quản lý dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại Hà Nội, đối tượng nợ chủ yếu là các doanh nghiệp sau khi trúng thầu chưa có nhu cầu sử dụng đất ngay, với số tiền nợ từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng (cũng có doanh nghiệp nợ vài chục tỷ đồng). Nếu tính theo lãi suất ngân hàng thì với tổng số tiền hơn 1.500 tỷ đồng mà các doanh nghiệp đang nợ, mỗi tháng Nhà nước đang bị chiếm dụng hàng chục tỷ đồng.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất Hà Nội, ông Trịnh Kiên Đĩnh, cho biết việc chậm nộp tiền này không chỉ gây ảnh hưởng tới việc quản lý, sử dụng ngân sách của Thành phố, mà còn khiến cho hàng ngàn mét vuông đất bị bỏ hoang, gây lãng phí. Thị trường bất động sản vốn đã trầm lắng càng thêm èo uột.

Theo quy định, thành phố Hà Nội sẽ thu khoản tiền bảo lãnh dự thầu của các chủ đầu tư chậm nộp tiền sử dụng đất đấu giá, khoảng hơn 100 triệu đồng cho mỗi hồ sơ, tùy theo ô đất đấu giá. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận mất số tiền này còn hơn là “ôm” đất vào trong tình hình thị trường bất động sản hiện nay, nhất là với những doanh nghiệp trúng hàng ngàn mét vuông đất, với giá trị hàng chục tỷ đồng.

Để giải quyết tình trạng nợ đọng này, ông Lê Quý Đôn, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, cho biết, thời gian tới, các quận, huyện phải đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng kỹ thuật cho các khu đất, hoàn thiện các thủ tục giao đất. Đối với các trường hợp chủ đầu tư chậm nộp tiền sẽ tính lãi theo lãi suất ngân hàng; các trường hợp cố tình không nộp sẽ hủy bỏ kết quả đấu giá và chuyển thẳng số tiền bảo lãnh đấu giá vào ngân sách.

“Cùng với việc yêu cầu các ban quản lý đấu giá quyền sử dụng đất khẩn trương rà soát, thu nợ dứt điểm theo kết quả đấu giá đã được phê duyệt, Thành phố cũng sẽ tạm dừng các phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại các quận, huyện cho đến khi số tiền nợ các phiên đấu giá trước đây thu hồi xong”, ông Đôn nhấn mạnh.

(Theo Đầu Tư)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu