SearchNews

"Cơn khát" đất sạch tại Bà Rịa - Vũng Tàu

04/10/2014 07:25

Nhiều chủ đầu tư tại Bà Rịa -Vũng Tàu (BR - VT) đang bắt đầu chán nản bởi các dự án bị chậm triển khai vì khâu giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, gây thiệt hại thời gian, tiền của cho nhà đầu tư.

Theo thống kê của Sở TN&MT BR - VT, đến nay, trên địa bàn tỉnh có tới 343 dự án chậm triển khai với khoảng 5.000 ha cần giải phóng mặt bằng.

Đất sạch thiếu trầm trọng

Được khởi công từ ngày 25/9/2008, chủ đầu tư là Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn - liên doanh giữa các bên: Tập đoàn SCG của Thái Lan và Tập đoàn Hoá chất VN, Tập đoàn Dầu khí VN, Công ty Đầu tư Quốc tế Qa-tar, dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam nằm trong KCN dầu khí Long Sơn đến nay tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn ì ạch. Mặc dù theo dự kiến ban đầu của chủ đầu tư sẽ hoàn thành xây dựng và đưa Tổ hợp đi vào hoạt động vào cuối năm 2012.

Theo nội dung biên bản hợp tác các bên đã ký kết, tổng kinh phí đền bù giải tỏa dự kiến của dự án trên 800 tỷ đồng, phía chủ dự án sẽ chi tiền ứng trước cho BR-VT theo tiến độ, đảm bảo chi trả kịp thời cho các hộ dân ngay khi có phương án đền bù. Kế hoạch đến năm 2014, toàn bộ diện tích đất để xây dựng dự án (khoảng 464 ha, bao gồm 398 ha xây dựng nhà máy, 66 ha đất xây dựng cảng) sẽ được TP.Vũng Tàu bàn giao cho chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến nay, số hộ dân được chi trả tiền bồi thường mới chỉ có 246 hộ với số tiền là 260 tỷ đồng (tương ứng diện tích đất 133 ha). Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn, ông Bùi Đức Bình cho biết, đa số người dân đồng tình với mức giá bồi thường, song vẫn còn vướng mắc ở 48 hộ dân thuộc tập đoàn muối số 1 Trảng Cây Đu (diện tích của các hộ này chiếm 28.2% diện tích thu hồi của công trình). Những vướng mắc này chủ yếu liên quan đến vấn đề đất rừng phòng hộ và việc chồng lấn ranh giới thửa đất giữa thực tế sử dụng với sơ đồ vị trí thửa đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ dân. Bên cạnh đó, còn một số trường hợp do chưa có ổn định được chỗ ở vì còn chờ khu tái định cư nên họ chưa bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư.

"Cơn khát" đất sạch tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Công tác bồi thường chậm trễ khiến nhiều dự án tại BR - VT gặp khó khăn
trong việc triển khai.

Tổ hợp Hóa dầu miền Nam được đánh giá là một dự án có tầm quan trọng, được đầu tư công nghệ mới và hiện đại nhất hiện nay. Sự thành công của dự án sẽ tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực góp phần thu hút đầu tư, từ đó tạo đà phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế BR - VT trong giai đoạn sắp tới. 

Vì mục tiêu quan trọng đó, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp với chủ đầu tư và chỉ đạo UBND TP.Vũng Tàu nhanh chóng triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án được thi công. Theo đó, tỉnh cũng nhấn mạnh cần phải bố trí tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi thuộc các khu tiểu dự án như: Khu tái định cư xã Long Sơn, Đường vào khu công nghiệp và tổ hợp hóa dầu miền Nam. Đồng thời, Sở TN&MT cũng tham mưu UBND tỉnh giải quyết các thủ tục đất đai để dự án sớm được thực hiện. Song đến nay chủ đầu tư dự án vẫn phải ở trong tình trạng tiếp tục chờ đợi.

Một dự án khác nằm trên phường 11 và 12 của TP.Vũng Tàu là Saigon Atlantic Hotel được quy hoạch xây dựng trên diện tích 297.3 ha dù đã chậm tiến độ 5 năm so với kế hoạch nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể khởi động. Nguyên nhân chính yếu cũng là do công tác GPMB còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giá thuê đất của DN tăng lên theo từng năm gây bất lợi cho chủ đầu tư về mặt tài chính.

Hướng khắc phục mới

Nhằm giải quyết thực trạng trên, mới đây, UBND tỉnh BR-VT đã giao Sở TN-MT xây dựng Dự thảo quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Hiện dự thảo này đang được UBND tỉnh tiến hành xem xét trước khi ban hành. Theo đó, hộ gia đình, cá nhân bị Nhà nước thu hồi đất ở đủ điều kiện được giao đất ở bằng hình thức tái định cư (TĐC) sẽ được bố trí 1 suất ở TĐC. Sẽ bố trí hơn 1 suất TĐC đối với các hộ gia đình có nhiều thế hệ sinh sống và có đủ điều kiện để tách thành từng hộ riêng.

Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất về việc giao đất ở đối với các trường hợp giải tỏa nhà xây dựng trên đất nông nghiệp. Cụ thể, UBND cấp huyện sẽ cân đối quỹ đất tại địa phương và giao 1 suất đất theo thẩm quyền đối với trường hợp hộ dân buộc phải di chuyển chỗ ở mà không còn chỗ ở nào khác trên địa bàn nơi có đất thu hồi. Đối với việc TĐC bằng tiền, mức hỗ trợ TĐC theo quy định tại Quyết định số 44/2013 của UBND tỉnh với mức dao động từ 144 - 360 triệu đồng/suất được đề nghị giữ nguyên. Sẽ hỗ trợ 50% giá đất có vị trí tương ứng trong khu dân cư và 1.5 lần đối với đất ngoài khu dân cư nhằm hỗ trợ, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Giá đất để tính tiền sử dụng đất tại khu TĐC là giá đất thực tế tại thời điểm có quyết định giao đất và được xác định bằng giá đất trong bảng giá đất của UBND tỉnh nhân hệ số điều chỉnh giá đất do UBND tỉnh quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh BR - VT, ông Nguyễn Văn Trình đã đề nghị tổ soạn thảo Dự thảo quy định về bồi thường, hỗ trợ và TĐC khi Nhà nước thu hồi đất cần tiếp tục làm việc nhiệt tình với các địa phương nhằm nghiên cứu và đưa ra phương án bồi thường số tiền có giá trị tương ứng với đất bị thu hồi. Đồng thời, nghiên cứu thêm về việc xác định vị trí đất, áp giá đối với đất thu hồi và quan tâm đến chính sách hỗ trợ cuộc sống của người dân chuyển đổi ngành nghề sau khi bị thu hồi đất trên tinh thần đặt quyền lợi của người dân lên trên hết, tiếp đến là lợi ích của Nhà nước và các DN có liên quan.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu