Russia Today cho hay, do giá dầu sụt giảm, tài chính eo hẹp nên dự án trên bị trì hoãn trong 2 năm. Theo dự kiến, sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, khách sạn sẽ cung ứng 10.000 phòng, 70 nhà hàng, trung tâm mua sắm, một nơi dành riêng cho Hoàng gia Ả Rập Xê Út, vài bãi đáp máy bay cùng 1 phòng khiêu vũ.
Dự án khách sạn lớn nhất thế giới được Saudi Binladen Group khởi động trở lại.
(Ảnh: AFP)
Được biết, dự án Abraj Kudai được khởi động trở lại là một phần trong chương trình mở rộng của Ả Rập Xê Út, nhằm mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Chính phủ nước này sẽ hỗ trợ về mặt tài chính cho Tập đoàn Saudi Binladin. Trong bối cảnh giá dầu sụt giảm trong những năm gần đây, doanh nghiệp này bị ảnh hưởng nặng bởi ngành xây dựng lao dốc.
Theo Reuters, các nhà thầu phụ được yêu cầu trình đề xuất giá cho dự án Saudi Binladin vào giữa tháng 9 tới. “Chính phủ phân bổ một phần ngân sách để hoàn thành các dự án trọng điểm”, một giám đốc của Saudi Binladin cho biết.
Công ty hiện đang nợ gần 30 tỷ USD. Các chủ nợ đã đồng ý nới lỏng khoản tín dụng 4 tỷ riyal (1,1 tỷ USD) vào đầu năm 2017 để hỗ trợ hoạt động xây dựng ở thánh địa Mecca. Một chủ ngân hàng tại Ả Rập Xê Út chia sẻ: “Bộ Tài chính đóng vai trò chính trong dự án khách sạn. Đây là tin tích cực với ngành ngân hàng”.
Nhờ giá dầu thô gia tăng và việc áp dụng một số biện pháp "thắt lưng buộc bụng" nên tình hình tài chính Ả Rập Xê Út đã khá hơn trong năm nay. Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính Ả Rập Xê Út cho thấy, từ tháng 4 - 6/2017, thâm hụt ngân sách nước này hạ xuống còn 46,5 tỷ riyal (12,4 tỉ USD). Con số này thấp hơn so với mức 58,4 tỷ riyal một năm về trước.
Một trong các lĩnh vực được Riyadh ưu tiên trong kế hoạch “cai” dầu mỏ là ngành công nghiệp, du lịch, nhất là du lịch Hồi giáo. Mỗi năm, có hơn 2 triệu người Hồi giáo đến Mecca hành hương. Theo kế hoạch, trong 3 năm tới, Ả Rập Xê Út sẽ nâng con số này lên mức 2,5 triệu người.