SearchNews

Toàn cảnh phong thủy tiểu cảnh cho nhà ở

13/04/2018 14:37

Thiết kế tiểu cảnh ngày càng được nhiều gia đình ưa chuộng vì vừa tăng sự thẩm mỹ cho ngôi nhà, vừa tạo được không khí mát mẻ cho không gian sống. Song, kiến thức về bố trí phong thủy tiểu cảnh cho nhà ở thì không phải ai cũng nắm rõ và thực hiện đúng.

1. Ý nghĩa phong thủy tiểu cảnh cho nhà ở

Tiểu cảnh là một không gian thiên nhiên thu nhỏ trong ngôi nhà với sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố cây xanh, đất, đá và nước... Không chỉ giúp ngôi nhà thêm tinh tế, phong cách, tiểu cảnh còn mang ý nghĩa phong thủy rất lớn đối với không gian sống. Không thể phủ nhận được sự góp mặt của không gian tiểu cảnh sẽ giúp cho nhà ở, dù là kiểu nhà ống, nhà phố hay nhà vườn đều trở nên độc đáo, thu hút hơn. 

Phong thủy tiểu cảnh cho nhà ở
Phong thủy tiểu cảnh cho nhà ở không chỉ giúp mang lại vẻ đẹp mỹ quan cho không gian sống, mà còn thu hút nguồn tài lộc cho chủ nhân.

Phong thủy tiểu cảnh có tác động rất lớn đối với nhà ở. Nếu bài trí đúng hướng với cung mệnh của chủ nhân, có thể giúp âm dương của ngôi nhà được điều hòa tốt, từ đó, thu hút nguồn tài lộc vào nhà.

Phong thủy tiểu cảnh cho nhà ở với hồ nước hay bể cá, non bộ đặt ở phía trước nhà vốn được xem là điểm tụ thủy, mang lại điều tốt lành cho gia chủ. Không còn đơn thuần là yếu tố trang trí, dạng tiểu cảnh có đủ núi non, cây cối, thác nước… chính là biểu tượng của vũ trụ quan thu nhỏ theo quan niệm Á Đông, tạo nên sự hài hòa trong cuộc sống của chủ nhân.

Phong thủy tiểu cảnh cho nhà ở giúp gia chủ vừa có không gian thư giãn, vừa có thể chiêm nghiệm và suy nghĩ mọi việc một cách sâu sắc nhất.

2. Các dạng tiểu cảnh trong nhà ở

Thiết kế tiểu cảnh nhà ở thường có một số dạng phổ biến như sau:

Tiểu cảnh sân vườn: Dạng này thích hợp với những gia đình có không gian sân vườn. Sự hài hòa giữa đất, nước, không khí và sinh vật sẽ tạo nên một thế giới thu nhỏ vô cùng sinh động và ấn tượng cho khu vườn nhà bạn.

Tiểu cảnh trong nhà ở
Tiểu cảnh trong nhà ở có rất nhiều dạng khác nhau, tùy theo sở thích và không gian mà gia chủ có thể lựa chọn phù hợp.

Tiểu cảnh gầm cầu thang: Dạng tiểu cảnh này thường được nhiều gia đình lựa chọn vì tận dụng được góc chết nơi gầm cầu thang để làm đẹp cho không gian sống. Đối với dạng này sẽ có tiểu cảnh khô và tiểu cảnh nước. Tuy nhiên, khi lựa chọn dạng tiểu cảnh này cần phải hết sức lưu ý đến yếu tố phong thủy sao cho phù hợp với nhà ở.

Tiểu cảnh giếng trời: Thiết kế này là sự đan xen một cách khéo léo, tinh tế giữa đồ đạc với cảnh quan thiên nhiên tại khu vực giếng trời của ngôi nhà, đưa nơi đây thành trung tâm của mọi sự thu hút. Phong thủy tiểu cảnh giếng trời không chỉ giúp không gian sống thêm phần sinh động, thoáng đãng, mà còn giúp nguồn dương khí của ngôi nhà được tăng thêm.

Tiểu cảnh ban công: Dạng tiểu cảnh này chủ yếu là tiểu cảnh khô với sự bố trí khéo léo từ những chi tiết như thảm cỏ, cây cối, đá…

3. Cách bài trí tiểu cảnh hợp phong thủy

Trong thiết kế nhà ở hiện đại, nhiều gia đình đã lựa chọn đưa tiểu cảnh vào nhà ở nhằm tạo không khí mát mẻ và gần gũi với thiên nhiên. Song, việc đưa thiên nhiên đến gần con người không phải lúc nào cũng tốt, mà còn phải nắm bắt được các yếu tố phong thủy để sao cho mọi sự được hài hòa.

Phong thủy tiểu cảnh nhà ở vốn được xem là phật khí hay pháp khí phong thuỷ. Vì vậy, đối với những ngôi nhà nằm tại vị trí ngõ cụt, góc chết, việc thiết kế tiểu cảnh ở sân vườn phía trước nhà được xem là vô cùng quan trọng. Điều đặc biệt lưu ý, nhất thiết phải có yếu tố nước trong tiểu cảnh đó để giúp dòng khí được luân chuyển tốt. Với những ngôi nhà có diện tích quá khiêm tốn, lại tù túng, việc bài trí tiểu cảnh không nên tham lớn, mà chỉ cần nhỏ nhắn nhưng đảm bảo đầy đủ các yếu tố là tốt nhất. Bởi, tiểu cảnh lớn trong không gian nhỏ sẽ khiến tính âm sẽ thịnh, không tốt cho yếu tố phong thủy nhà ở.

Bài trí tiểu cảnh nhà ở hợp phong thủy
Bài trí tiểu cảnh nhà ở hợp phong thủy giúp mang lại vẻ đẹp và nguồn sinh khí cho không gian sống.

Phong thủy tiểu cảnh trong nhà ở thường có 2 dạng: khô và ướt. Trong đó, nhóm tiểu cảnh khô là trồng cây, rải sỏi; còn tiểu cảnh ướt gồm có hồ cá, hòn non bộ với thác nước róc rách… Thiết kế tiểu cảnh trong nhà ở hiện đại ngoài yếu tố cây, nước còn có thêm đèn điện nhằm giảm bớt tính âm của tiểu cảnh.

Bài trí tiểu cảnh cho nhà ở hợp phong thủy cần phải lưu ý, đối với tiểu cảnh nước chỉ nên đặt tại những vị trí có thể đặt nước được, còn những nơi không thể dùng được tiểu cảnh nước thì không nên cố gượng ép, mà hãy chuyển sang dùng tiểu cảnh khô. Ngoài ra, việc đặt tiểu cảnh nước hay khô trong nhà cũng cần phải xem xét đến mệnh của từng gia chủ để có sự lựa chọn phù hợp, nhằm kích hoạt yếu tố phong thủy có lợi cho không gian sống.

Bài trí tiểu cảnh cho những không gian nhỏ, tốt nhất, nên giảm bớt các vật dụng trang trí. Đôi khi chỉ cần đặt 1 bồn nước nhỏ, rải một ít sỏi nơi góc nhà, đặt chậu hoa trên bàn cạnh cửa sổ… cũng đủ mang lại vẻ đẹp và nguồn sinh khí cho ngôi nhà.

Đối với các khu vực như ở dưới giếng trời, ngoài hiên nhà, có thể tạo một khu vườn nhỏ với nhiều loại cây và hoa. Với khu vực hành lang, có thể dựng một hàng rào gỗ thấp để treo các chậu cây leo, chậu hoa, tạo thành một khu vườn đứng xanh mát đầy ấn tượng. Hoặc bạn cũng có thể chọn vị trí sân thượng để thiết kế tiểu cảnh, nhưng phải đảm bảo phương án chống thấm cho nơi đây.

Tùy thuộc vào vị trí đặt và diện tích nhà ở mà bài trí tiểu cảnh lớn hay nhỏ cho phù hợp. Thông thường, phong thủy tiểu cảnh nước trong nhà ở sẽ được bố trí tại các vị trí trung tâm như giếng trời, gầm cầu thang với đủ các yếu tố: nước, cây xanh, đá sỏi…, tạo cảm giác sinh động và thu hút nguồn sinh khí cho không gian.

4. Thiết kế tiểu cảnh dưới gầm cầu thang

Thiết kế tiểu cảnh ở khu vực gầm cầu thang
Thiết kế tiểu cảnh ở khu vực gầm cầu thang cần phải tuân theo những quy tắc phong thủy nhất định để thu hút sinh khí cho ngôi nhà.

Trong phong thủy, gầm cầu thang là góc chết mang sát khí tương đối mạnh trong nhà ở, khiến sức khỏe của các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có không ít gia đình đã tận dụng góc chết này để thiết kế tiểu cảnh nhằm tạo không gian xanh mát cho nơi ở.

Song, phong thủy tiểu cảnh dưới gầm cầu thang cũng có những nguyên tắc nhất định mà các gia chủ cần phải nắm vững. Cụ thể:

Trước hết, không nên bài trí bể cá hoặc hòn non bộ suối chảy róc rách tại vị trí này. Bởi, gầm cầu thang vốn thuộc hành Hỏa, còn hòn non bộ có suối nhỏ chảy róc rách hay bể cá lại thuộc hành Thủy. Trong phong thủy Ngũ hành, Thủy và Hỏa vốn rất khắc nhau. Không chỉ vậy, gầm cầu thang mang tính tĩnh, là nơi bí bách, trong khi bể cá, hòn non bộ có suối lại mang tính động, vốn cần sự thoáng đãng. Do đó, bố trí bể cá hay hồ nước nhỏ tại gầm cầu thang là không phù hợp, thậm chí, càng làm tăng thêm tính ẩm thấp cho góc chết này, khiến sát khí tăng cao.

Bài trí tiểu cảnh thác nước, bể cá... dưới gầm cầu thang
Bài trí tiểu cảnh thác nước, bể cá... dưới gầm cầu thang được cho là không hợp phong thủy.

Tuy nhiên, đối với những ngôi nhà thiết kế dạng cầu thang xương cá, cầu thang ngay cạnh giếng trời, hay cầu thang ngoài trời thì có thể thiết kế tiểu cảnh nước với suối chảy róc rách. Bởi, gầm của những dạng cầu thang được ánh sáng tự nhiên chiếu vào, có dương khí khá tốt, giúp xua sự ẩm thấp, tăm tối nơi đây.

Theo các chuyên gia phong thủy, đối với vị trí gầm cầu thang, tốt nhất nên thiết kế tiểu cảnh dạng khô với các loại cây xanh. Bởi, gầm cầu thang thuộc hành Hỏa, cây xanh thuộc hành Mộc, đây là 2 hành mang tính tương sinh, rất tốt cho yếu tố phong thủy nhà ở.

Bên cạnh đó, gia chủ cũng có thể rải thêm sỏi tại đây để tạo nên không gian tiểu cảnh vô cùng đẹp mắt cho nhà ở. Ngoài ra, việc điểm xuyết thêm vài chú hươu, hay vịt bằng gỗ sẽ giúp tiểu cảnh gầm cầu thang nhà bạn thêm sống động mà khiến nguyên tắc phong thủy bị phá vỡ.

Hy vọng những kiến thức phong thủy tiểu cảnh cho nhà ở cơ bản như trên sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức khi muốn đưa tiểu cảnh vào không gian sống của mình.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu