Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing Đại học Kinh tế TP.HCM cho hay, ông đã tiến hành một cuộc khảo sát nhanh về tốc độ tăng giá nhà đất trong 1 thập kỷ qua và trong chu kỳ 3 năm sốt nóng bất động sản.
Trong bối cảnh cơn sốt đất lan khắp cả nước giai đoạn từ năm 2016 - 2018, người Việt khó có thể mua được bất động sản bằng tiền tích lũy bởi so với các đợt tăng giá đất, tốc độ kiếm tiền quá chậm. Nếu lấy trung bình là tăng gấp 2 lần thì trong 3 năm qua, giá đất tăng cao nhất là 3-4 lần, thấp nhất từ 1,5-2 lần. Có thể thấy, nếu chỉ tiết kiệm và chờ đợi tăng thu nhập để mua bất động sản thì việc mua được nhà của người Việt là không tưởng.
|
Trong 3 năm (2016 - 2018), người Việt khó mua được nhà bằng tiền tích lũy do giá đất tăng gấp đôi thu nhập. (Ảnh: Hữu Khoa) |
Theo ông Nghĩa, trong những năm 2016 - 2018, phần lớn người Việt mua được nhà đất đều thông qua hình thức chuyển đổi dòng tiền từ đầu tư tài chính, sản xuất, kinh doanh... sang bất động sản. Tuy nhiên, giới đầu tư địa ốc nhờ tích lũy dòng tiền nhanh đột biến trong các cơn sốt đất nên dễ dàng sở hữu và hoán đổi bất động sản.
Kết quả khảo sát cho biết, tùy từng khu vực, mỗi m2 đất tăng giá trị từ 4-10 lần trong 1 thập kỷ gần đây (2009 - 2019). Khoảng thời gian này được đánh giá là chu kỳ đặc biệt khi thị trường biến thiên mạnh mẽ với đủ sắc thái từ nguội lạnh tới sốt nóng, giảm tốc.
Theo chuyên gia này, trong 10 năm, đất tăng giá 4-10 lần là thiếu bền vững, thậm chí có nguy cơ "bong bóng" giá. Thế nhưng, thị trường vẫn chấp nhận những mặt bằng giá mới được thiết lập liên tục và cao ngất ngưởng.
Cũng theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, đà giảm tốc của thị trường bất động sản năm 2019 và "bong bóng" giá đất có mối liên hệ đặc biệt. Thực trạng này như một phép thử về sức bền của toàn thị trường địa ốc. Nhiều hệ lụy có thể xảy ra trong trường hợp "bong bóng" giá đất biến động mạnh mẽ và không ngừng phình to.
Việc giá đất biến động quá lớn có thể dẫn đến những hệ lụy như thu hẹp cơ hội sở hữu nhà đất của người dân, gây căng thẳng trong xã hội. Mặt khác, "bong bóng" giá bất động sản còn kìm hãm các ngành sản xuất phát triển. Chưa kể, tình trạng này có thể đẩy chi phí mặt bằng tăng cao khiến giá cả dịch vụ, hàng hóa tăng theo, nền kinh tế phát triển không đồng đều.