SearchNews

Tổng quan huyện Mê Linh, TP. Hà Nội

09/05/2022 14:44

Huyện Mê Linh thuộc TP. Hà Nội, tọa lạc ở phía Tây Bắc của Thủ đô. Nơi đây được xác định là vùng kinh tế trọng điểm với trọng tâm phát triển là công nghiệp, dịch vụ và đô thị gắn với văn hóa - xã hội.

Cùng với Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoài Đức, huyện Mê Linh đã và đang được quy hoạch bài bản, đồng bộ với hạ tầng ngày một hoàn thiện hơn. Thông tin quy hoạch huyện Mê Linh vì thế luôn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bất động sản trên cả nước.

1. Vị trí địa lý

Huyện Mê Linh Hà Nội cách trung tâm thành phố khoảng 29km, nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô với phạm vi ranh giới được giới hạn như sau:

  • Phía Bắc huyện Mê Linh giáp TP. Phúc Yên và huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

  • Phía Nam huyện Mê Linh giáp huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội

  • Phía Đông huyện Mê Linh tiếp giáp huyện Sóc Sơn và huyện Đông Anh, TP. Hà Nội

  • Phía Tây huyện Mê Linh giáp huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội và huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc

2. Hành chính huyện Mê Linh

Vào ngày 01/08/2008, huyện Mê Linh được tách khỏi tỉnh Vĩnh Phúc theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/05/2008 và sáp nhập vào TP. Hà Nội. Theo đó, huyện có tổng diện tích đất tự nhiên là 141,64 km2, quy mô dân số năm 2019 khoảng 240.555 người, mật độ dân số đạt 1.689 người/km2.

Hiện tại, huyện Mê Linh có 18 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 2 thị trấn Quang Minh, Chi Đông và 16 xã: Văn Khê, Vạn Yên, Tự Lập, Tráng Việt, Tiến Thịnh, Tiến Thắng, Tiền Phong, Thanh Lâm, Thạch Đà, Tam Đồng, Mê Linh, Liên Mạc, Kim Hoa, Hoàng Kim, Chu Phan, Đại Thịnh.

bản đồ hành chính huyện Mê Linh
Huyện Mê Linh được sáp nhập vào TP.HCM năm 2008. Ảnh: Bandovietnam

3. Kinh tế

Theo quy hoạch chung TP. Hà Nội, huyện Mê Linh thuộc vùng kinh tế trọng điểm, tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị gắn với văn hóa - xã hội. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện. Năm 2021, giá trị sản xuất ngành công nghiệp đạt khoảng gần 28.000 tỷ đồng, tương ứng 87,8%, trong khi dịch vụ và nông nghiệp lần lượt là 6,3% và 5,9%.

Tuy chiếm tỷ trọng về giá trị sản xuất không cao nhưng nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực của huyện Mê Linh. Địa phương định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững. Hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hộ theo mô hình kinh tế trang trại và ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Mê Linh có nhiều vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn lớn của TP. Hà Nội tại xã Tiền Phong, Tiến Thắng và Tráng Việt.

Tốc độ phát triển kinh tế hàng năm tăng 8,4%. Cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp - xây dựng - nông nghiệp - dịch vụ. 

Đáng chú ý, Mê Linh là một trong những huyện ngoại thành Hà Nội có nhiều làng nghề, trong đó nghề trồng hoa phát triển mạnh mẽ với sức tiêu thụ lớn. Nhóm nghề dịch vụ, kinh doanh tập trung chủ yếu tại Thanh Lâm, Đại Thịnh, Tiền Phong, Chi Đông, Quang Minh. Nhóm nghề dâu tằm và mây tre đan đã mai một.

Các làng nghề và ngành nghề của huyện Mê Linh gồm:

  • Nghề đan lát ở Nam Cường, Tam Đồng
  • Làng nghề hoa, cây cảnh Liễu Trì, Mê Linh
  • Nghề nấu rượu Yên Bài, Tự Lập
  • Làng nghề bánh đa nem Trung Hà, Tiến Thịnh
  • Nghề xây dựng, thợ nề Thạch Đà
  • Nghề trồng hoa, cây cảnh Phù Trì, Kim Hoa
  • Làng nghề trồng hoa, cây cảnh Đại Bái, Đại Thịnh
  • Làng nghề làm mì bún Yên Thị, Tiến Thịnh
  • Nghề trồng rau củ Đông Cao, Tráng Việt
  • Nghề trồng hoa, cây cảnh Văn Quán, Văn Khê
  • Làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi, Mê Linh
  • Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Tráng Việt

4. Hạ tầng giao thông

Sau khi sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, hạ tầng giao thông huyện Mê Linh được đầu tư hoàn thiện hơn. Giao thông Mê Linh hiện tại tương đối phát triển với đủ các loại hình đường sắt, đường bộ, đường thủy và gần sân bay quốc tế Nội Bài.

- Đường bộ

Đường Vành đai 4, đường Bắc Thăng Long - Nội Bài với quy mô mặt cắt ngang đoạn tuyến qua phạm vi huyện Mê Linh rộng 68 - 120m, gồm 4 6 làn cao tốc và đường gom đô thị song hành hai bên.

Đường Vành đai 3,5 quy mô mặt cắt ngang 60m, gồm 6 làn xe chạy chính và 4 làn đường gom địa phương ở hai bên, bố trí tuyến đường sắt đô thị số 7 dọc theo dải phân cách giữa. Đường Vành đai 3 Bắc sông Hồng có quy mô mặt cắt ngang 68m, thiết kế 10 - 12 làn xe. 

Quốc lộ 23B với bề rộng 12m, quy mô 2 làn xe. Cùng với đó là các tuyến đường tỉnh ĐT308, ĐT312, đường đê sông Hồng nằm ngoài phạm vi phát triển đô thị được nâng cấp lên đường cấp III đồng bằng, rộng 12m, thiết kế 2 làn xe. Ngoài ra, còn có trục trung tâm Mê Linh kết nối huyện Mê Linh với TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

- Đường sắt

Theo dự kiến, tuyến đường sắt đô thị Mê Linh - Ngọc Hồi (tuyến số 7) sẽ đi qua địa bàn huyện Mê Linh. Cùng với đó, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai thành đường đôi khổ 1435mm, nâng cấp ga Thạch Lỗi thành ga trung gian lập tàu hùng, chủ yếu phục vụ cho Khu công nghiệp Quang Minh. Xây dựng ga Mê Linh trên tuyến đường sắt Vành đai phía Tây Hà Nội kết nối với đường sắt Hà Nội - Lào Cai. 

- Đường thủy

Theo quy hoạch, tuyến sông Hồng là sông cấp II, tuyến sông Cà Lồ là sông cấp V. Bến phà Chu Phan trên sông Hồng được nâng cấp thành cảng hàng hóa với công suất giai đoạn 2030 - 2050 đạt 800.000 tấn/năm. Đồng thời, cảng hành khách Văn Khê tại xã Văn Khê được xây mới để phục vụ nhu cầu đi lại, du lịch.

- Giao thông công cộng

Trên địa bàn huyện Mê Linh có nhiều tuyến xe buýt đi qua, gồm các tuyến 07, 35B, 53B, 56A, 56B, 58, 63, 64, 93, 95, 109,112. Hướng tuyến cụ thể như sau:

  • Xe 07: Cầu Giấy - Sân bay Nội Bài qua cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài
  • Xe 35B: Nam Thăng Long - Thanh Lâm (Mê Linh) - cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, KCN Quang Minh
  • Xe 53B: Bến xe Mỹ Đình - Kim Hoa (Mê Linh) - cao tốc Thăng Long - Nội Bài, KCN Quang Minh
  • Xe 56A: Nam Thăng Long - Núi Đôi qua cao tốc Thăng Long - Nội Bài
  • Xe 58: Yên Phụ - bệnh viên đa khoa Mê Linh, cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài
  • Xe 63: KCN Bắc Thăng Long - Tiến Thịnh (Mê Linh) - KCN Bắc Thăng Long, cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài
  • Xe 64: Bến xe Mỹ Đình - Phố Nỉ - KCN Bắc Thăng Long, cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài
  • Xe 93: Nam Thăng Long - Bắc Sơn qua cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, KCN Quang Minh
  • Xe 95: Nam Thăng Long - Xuân Hòa qua cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài, KCN Quang Minh
  • Xe 109: Bến xe Mỹ Đình - Sân bay Nội Bài qua cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài
  • Xe 112: Nam Thăng Long - Thạch Đà (Mê Linh) đến điểm cuối là bệnh viện Đa khoa Mê Linh.

5. Văn hóa

Lịch sử hình thành, phát triển huyện Mê Linh gắn liền với thời đại các vua Hùng dượng nước, là vùng đất đế đô nơi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Mê Linh cũng là nơi giao lưu văn hóa, kinh tế giữa các vùng miền núi, trung du, giữa các tỉnh thành lân cận kinh đô Thăng Long, góp phần vào sự hình thành, phát triển của nền văn minh sông Hồng.

Trên địa bàn huyện Mê Linh lưu giữ 161 di tích lịch sử văn hóa, nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như: Đền Hai Bà Trưng, chùa Trung Hậu, chùa Phúc Long, Chùa Báo Ân, đình Phú Mỹ, đình Bạch Trữ, đình Bồng Mạc, đền Văn Lôi, đền Đông Cao, Đồi 79 Mùa xuân... Bên cạnh đó còn có Di chỉ khảo cổ học Thành Dền, Thành Cổ Mê Linh...

Đền thờ Hai Bà Trưng tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.
Đền thờ Hai Bà Trưng tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Ảnh: Internet

6. Giáo dục

Công tác giáo dục - đào tạo tại huyện Mê Linh ngày càng được đầu tư, quan tâm thích đáng với các trường học xây dựng theo hướng đạt chuẩn quốc gia (46/74 trường đạt chuẩn quốc gia), tỷ lệ phổ cập giáo dục duy trì ở mức cao (mầm non, Tiểu học, THCS đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình THPT đạt 99%). Chất lượng giáo cục mũi nhọn của huyện thuộc top 10 của toàn TP. Hà Nội, xếp hạng giáo dục đại trà thứ 17/30 quận, huyện, thị xã của TP. Hà Nội.

Trường tiểu học Đại Thịnh B, xã Đại Thịnh; Trường tiểu học Mê Linh, xã Thường Lệ; Trường tiểu học Chi Đông, thị trấn Chi Đông là 3 trường tiểu học công lập huyện Mê Linh có cơ sở vật chất cũng như chất lượng giảng dạy không thua kém các trường nội thành.

Tương tự, các trường THPT Mê Linh, THPT Quang Minh, THPT Tiền Phong, THPT Tiến Thịnh, THPT Tự Lập, THPT Yên Lãng đảm bảo chất lượng giảng dạy và cơ sở vật chất thiết bị trường học. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội và Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Ba Đình.

7. Y tế

Hệ thống y tế huyện Mê Linh gồm có Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh, Trun tâm y tế huyện Mê Linh và 18 trạm y tế tại các xã, thị trấn. Cùng với đó là hàng loạt phòng khám đa khoa, chuyên khoa, quầy thuốc và cơ sở đại lý thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Toàn huyện có 20 cơ sở y tế công lập, bao gồm một bệnh viện đa khoa huyện, 1 trung tâm y tế và 18 trạm y tế xã. Ngoài ra có 4 phòng khám đa khoa, 11 phòng khám chuyên khoa, 10 quầy thuốc và 35 cơ sở đại lý thuốc. 

Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh, Phòng khám đa khoa huyện Mê Linh
Phòng khám đa khoa Đại Thịnh, Phòng khám A thuộc BVĐK huyện Mê Linh, Phòng khám đa khoa Quang Minh, Phòng khám đa khoa Thạch Đà, phòng khám đa khkoa khu vực Tiền Phong

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao. Các trạm y tế tại các xã, thị trấn được cải tạo nâng cấp theo chương trình nông thôn mới để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh tại địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh việc xã hội hóa và hình thành hệ thống y dược tư nhân để hỗ trợ việc khám chữa bệnh cho người dân khu vực.

8. Hạ tầng đô thị

Theo Đề án quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, từ khu vực đô thị lõi trung tâm TP về phía Tây đến tuyến đường Vành đai IV sẽ phát triển thành khu đô thị hạt nhân của Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hóa, y tế, lịch sử, dịch vụ, đào tạo chất lượng cao của cả nước. Huyện Mê Linh cùng với Gia Lâm, Đông Anh sẽ là hạt nhân của khu vực. 

Mê Linh đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ. Trên địa bàn huyện đã và đang hình thành một số khu đô thị (KĐT) mới như KĐT Minh Giang - Đầm Và, khu nhà ở Hoàng Vân, KĐT Kim Hoa, KĐT Tiền Phong, KĐT Chi Đông, KĐT Mê Linh New City, KĐT Tùng Phương, KĐT Diamond Park New, KĐT CEO Mê Linh, KĐT AIC Mê Linh, KĐT Cienco 5 Mê Linh, KĐT Rose Valley, KĐT Ba Đình – Mê Linh, KĐT Tiền Phong, KĐT Quang Minh, KĐT HUD Mê Linh Central - Thanh Lâm - Đại Thịnh.    

Theo Quy hoạch chung xây dựng huyện Mê Linh tỷ lệ 1/10.000, đến năm 2030, huyện có tổng diện tích khoảng 14.131,91 ha, dân số tối đa đến năm 2030 khoảng 460.000 người, trong đó dân số đô thị 300.000 người.

Tổng diện tích đất tự nhiên đô thị khoảng 6.327,61 ha. Trong đó, khoảng 6.244,53 ha đất xây dựng đô thị, 208,69m2/người; khoảng 83,08 ha đất ngoài phạm vi xây dựng đô thị.

Tổng diện tích đất tự nhiên nông thôn khoảng 7.804,3 ha. Trong đó, khoảng 231,23 ha đất phục vụ đô thị;khoảng 1.500,69 ha đất xây dựng điểm dân cư nông thôn, khoảng 93,6m2/người và khoảng 6.072,38 ha đất khác.

Bản đồ quy hoạch xây dựng không gian tại huyện Mê Linh.
Bản đồ quy hoạch xây dựng không gian tại huyện Mê Linh. Ảnh: Bandovietnam

Cũng theo quy hoạch chung, huyện Mê Linh được chia làm 7 khu vực kiểm soát phát triển tương ứng với vai trò, tính chất của mỗi khu vực. 

Khu vực 1 - Khu vực phát triển đô thị: Diện tích tự nhiên khoảng 2.729 ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 208.000 người. Đây là tổ chức trung tâm khu đô thị tại khu vực Trung tâm hành chính mới của huyện Mê Linh.

Khu vực 2 - Khu vực phát triển công nghiệp: Diện tích tự nhiên khoảng 703 ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 2.000 người. Về tính chất, đây là khu công nghiệp Quang Minh - động lực chính để phát triển khu vực đô thị huyện Mê Linh.

Khu vực 3 - Khu vực sản xuất nông nghiệp: Diện tích tự nhiên khoảng 4.95 7ha, dân số đến năm 2030 khoảng 121.000 người. Đây là khu vực nghiên cứu nhân giống trồng hoa, rau sạch, chuyên canh sản xuất nông nghiệp chất lượng, năng suất cao tại các xã nằm trong khu vực Tiến Thịnh, Liên Mạc, Vạn Yên, Tự Lập, Tiến Thắng, Chu Phan, Thạch Đà, Liên Mạc, Tam Đồng.

Khu vực 4 - Khu vực thị trấn Kim Hoa: Thị trấn được thành lập mới trên cơ sở một phần địa giới hành chính của xã Kim Hoa, là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội mới của huyện Mê Linh. Đến năm 2030, diện tích khoảng 211,4 ha, quy mô dân số khoảng 12.649 người.

Khu vực 5 - Khu vực bãi sông: Diện tích tự nhiên khoảng 2.615 ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 35.500 người. Đây là khu vực chủ yếu phát triển nông nghiệp trồng rau, hoa; xây dựng cảng tại Chu Phan (hàng hóa), Văn Khê (hành khách)...

Khu vực 6 - Khu vực hành lang xanh, nêm xanh: Diện tích tự nhiên khoảng 1.897 ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 58.080 người. Khu vực này được quy hoạch là hệ thống cây xanh, mặt nước của đầm Và, sông Cà Lồ, kênh Thạch Phú,… kết hợp khu công viên cây xanh, thể dục thể thao của huyện Mê Linh.

Khu vực 7 - Khu vực dịch vụ du lịch sinh thái: Diện tích tự nhiên khoảng 888 ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 17.351 người. Đây là khu vực trung tâm du lịch phía Bắc của huyện với khu du lịch Đồi 79 Mùa Xuân là hạt nhân của khu vực.

Tổ chức cấu trúc không gian đô thị theo các tuyến trục lõi trung tâm, đường ngang vuông góc với các tuyến giao thông chính đô thị. Vùng phát triển đô thị, công nghiệp theo nguyên tắc phát triển đô thị khai thác hình thái, cảnh quan tự nhiên hiện hữu, bao gồm hệ thống mặt nước sông Hồng, đầm Tiền phong, kênh Thạch Phú,... 

Không gian trong các khu ở và đơn vị ở được tổ chức theo cấu trúc trục lõi trung tâm tạo sự hài hòa giữa các công trình chung cư cao tầng, thương mại cao tầng với khu nhà ở sinh thái thấp tầng, làng xóm cũ cùng công trình hạ tầng xã hội khác.

9. Thị trường bất động sản huyện Mê Linh

Cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị ngày càng hoàn thiện là đòn bẩy cho sự tăng trưởng của thị trường bất động sản Mê Linh những năm gần đây. Gần 15 kể từ khi tách khỏi tỉnh Vĩnh Phúc và sáp nhập vào TP. Hà Nội, hạ tầng huyện Mê Linh có những bước phát triển vượt bậc với các dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng - Vành đai 3, cầu Nhật Tân, cầu Hồng Hà giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Mê Linh về trung tâm TP.

Nhiều dự án tại huyện Mê Linh đang trong tình trạng hoang hóa.
Nhiều dự án tại huyện Mê Linh đang trong tình trạng hoang hóa. Ảnh: Internet

Hạ tầng phát triển cho thấy kỳ vọng khởi sắc và khả năng sinh lời cao của nhà đất Mê Linh. Hiện tại, huyện có khoảng hơn 50 dự án bất động sản, chủ yếu tập trung tại các xã ven Đại lộ Võ Văn Kiệt như Đại Thịnh, Tiền Phong, Thanh Lâm, Tráng Việt, thị trấn Quang Minh. Trong đó, xã Tiền Phong là nơi tập trung nhiều dự án nhất.

Thị trường bất động sản Mê Linh từ đầu năm 2021 đến nay khá biến động trước thông tin huyện sắp đón hàng loạt dự án tỷ đô. Giá đất vì thế tăng chóng mặt. Lúc bấy giờ, đất thổ cư tại xã Tiền Phong, quanh khu dự án Cienco5 tăng từ 15 - 23 triệu đồng/m2 lên mức 21 - 40 triệu đồng/m2. Thậm chí, những dự án "trùm mền" nhiều năm như Mê Linh Vista, Mê Linh New City, Diamond Park cũng tăng giá 40 - 70%.

Đến tháng 07/2021, thị trường nhà đất Mê Linh rơi vào ảm đạm khi lãnh đạo địa phương khẳng định thông tin loạt dự án tỷ đô sẽ được đầu tư vào huyện chỉ là tin đồn. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 3 tháng, bất động sản Mê Linh sốt trở lại bởi thông tin Mê Linh nằm trong kế hoạch lên thành phố trực thuộc TP. Hà Nội trong 5 năm tới.

Thực tế cho thấy, sau khi sáp nhập vào TP. Hà Nội năm 2008, rất nhiều dự án được quy hoạch tại Mê Linh, nhưng hiện tại đa số các dự án đều đang trong tình trạng hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên. Đất trong khu dân cư đang được rao bán với giá từ 20 - 30 triệu đồng/m2, đất dự án khoảng 20 - 25 triệu đồng/m2.

Theo giới chuyên gia, thị trường bất động sản Mê Linh đang ấm dần lên, đang hồi phục chứ không phải tăng nóng như giai đoạn đầu năm 2021. Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, ông Nguyễn Quốc Anh cho hay, mức độ quan tâm của nhà đầu tư địa ốc đối với khu vực Mê Linh bằng 60% so với hồi tháng 3/2021 - giai đoạn cả nước đang sốt đất.

Những lô đất lớn ở huyện Mê Linh thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư với mục đích đầu tư dài hạn, nghỉ dưỡng và nhu cầu về loại hình này phát sinh nhiều hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát. Một số nhà đầu tư khác quan tâm tới bất động sản phân lô bán nền vì nơi đây tập trung nhiều doanh nghiệp FDI, nhiều khu công nghiệp với lượng công nhân lớn...

Thế nhưng, các chuyên gia cho rằng, mặt bằng giá bất động sản tại huyện Mê Linh không có nhiều biến động, mặt bằng giá đi ngang, chưa tăng nhiều, nếu có cũng chỉ dao động từ 10 - 20 triệu đồng/m2. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá rao bán trung bình của bất động sản Mê Linh là 20 triệu đồng/m2.

Theo ông Quốc Anh, giá chưa có nhiều biến động một phần có thể là do độ trễ vì trước thông tin quy hoạch, người bán có thể đẩy giá lên rồi găm lại, trong khi người mua có xu hướng xem xét. Nếu muốn mua vào ở thời điểm này, nhà đầu tư cần xác định đây là khoản đầu tư dài hạn, đặc biệt không sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều mới có lợi trong tương lai. Bởi lẽ, khu vực này đang chờ quy hoạch, dự án lớn triển khai, hơn nữa hạ tầng kết nối với nội đô vẫn chưa hoàn thiện.

Trước khi quyết định rót vốn đầu tư bất động sản huyện Mê Linh, nhà đầu tư cần thận trọng, phải tìm hiểu thật kỹ vấn đề pháp lý, thông tin quy hoạch có thật hay không nhằm tránh bị chôn vốn quá lâu, thậm chí là "trắng tay".

 

Lam Giang (TH)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu